TTO – Khẩu trang “cháy hàng” ở Trung Quốc và khắp thế giới. Ngoài khẩu trang, nước rửa tay cũng là thứ người dân tranh nhau mua.
“Cháy hàng”
Quan sát ở siêu thị tại Auckland, New Zealand cho thấy người dân bắt đầu mua các loại dung dịch sát khuẩn theo lố để dùng hằng ngày do lo sợ bị nhiễm virus corona.
Theo báo New Zealand Herald, kệ hàng bày bán nước rửa tay, dung dịch hoặc chai xịt sát khuẩn đều nhanh chóng “cháy hàng”, một hiện tượng chưa từng thấy trước đây.
Trung tâm thương mại Siam Square ở Bangkok, Thái Lan ngày 31-1 treo bảng hết hàng với tất cả các loại khẩu trang.
Báo Bloomberg đưa tin sau khi Mỹ xác nhận có ca dương tính với virus corona đầu tiên, nhiều người Mỹ đã đổ xô đi mua khẩu trang N95, loại khẩu trang được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo. Tuy nhiên ở rất nhiều cửa hàng như CVS, Lowe’s, Staples loại khẩu trang này đã hết hàng.
Cách Trung Quốc nửa vòng trái đất, khẩu trang ở Canada cũng lâm vào tình trạng “cháy hàng”.
Tại Hong Kong, người dân được khuyến khích đeo khẩu trang y tế. Theo báo South China Morning Post, trong ngày 30-1, hàng ngàn người đã xếp hàng mua khẩu trang và các nhà thuốc chỉ bán với số lượng giới hạn cho từng người.
Đến ngày 1-2, báo này tiếp tục đưa tin 25 hộp khẩu trang, mỗi hộp 1.000 chiếc, tổng cộng 25.000 chiếc khẩu trang đã bị đánh cắp ở một kho hàng của một nữ doanh nhân.
Lô hàng được nhập khẩu từ Thái Lan, đến Hong Kong ngày 29-1 và được cất trong nhà kho để bán trực tuyến dần. Chủ số hàng trên báo cảnh sát lúc 17h ngày 31-1.
Ai cần đeo khẩu trang?
Đeo hay không đeo khẩu trang là tựa đề một bài báo của Hãng tin Reuters. Bài báo cho thấy tâm lý hoang mang của người dân trước dịch cúm và họ mua khẩu trang đeo để yên tâm ở nhiều nước trên.
Báo chí Singapore kêu gọi người dân “nếu khỏe mạnh thì không cần đeo khẩu trang” trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona chủng mới vẫn lan rộng ở Trung Quốc. Trong khi đó, ở các nước khác như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, người dân lại được khuyên đeo khẩu trang nhưng cần đeo đúng cách.
Khuyến cáo chính thức của Tổ chức Y tế thế giới không nhắc đến việc phải đeo khẩu trang như là một biện pháp phòng ngừa virus corona. Tuy nhiên, trên trang web của tổ chức này cũng không có thông tin nào phản đối việc đeo khẩu trang.
Úc và Đài Loan cũng khẳng định người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang nhưng Úc đã mở kho y tế quốc gia để cung cấp 1 triệu khẩu trang trong khi tại Đài Bắc, khẩu trang được bán với số lượng hạn chế.
Đài Loan, Ấn Độ cũng là những lãnh thổ, quốc gia ngừng xuất khẩu khẩu trang.
Việc đổ xô đi mua, tích trữ khẩu trang phòng thân của những người không có vấn đề về hô hấp, ở những quốc gia có nguy cơ thấp (so với Trung Quốc) có thể gửi tín hiệu sai lầm rằng có thị trường có khả năng thiếu các phương tiện y tế cần thiết để bảo vệ người dân.
Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện Annelies Wilder-Smith của Trường Vệ sinh dịch tế và y học nhiệt đới London nhắn nhủ: “Dù chúng ta cần đối phó với dịch bệnh một cách nghiêm túc, không nên hoảng loạn và hành xử theo cách không tương xứng với sự đe dọa”.
Việc đổ xô đi mua khẩu trang ở những nước có nguy cơ thấp như ở Mỹ là không cần thiết. Những người khỏe mạnh không nên tích trữ khẩu trang để phòng hờ vì điều này có thể gây thiếu khẩu trang cho những người, những nơi thật sự cần chúng.
Dù vậy, theo kênh tài chính CNBC, nhu cầu trên thị trường toàn cầu chưa hề giảm nhiệt dù để đảm bảo nhu cầu của thị trường, các công ty sản xuất khẩu trang các loại, từ khẩu trang y tế đến khẩu trang 3M, N95 tăng ca, làm việc suốt 24 giờ/ngày để có thể cung ứng hàng cho thị trường.
Theo trang Market Watch, mạng bán lẻ Taobao của Trung Quốc đã bán ra khoảng 80 triệu chiếc khẩu trang trong 2 ngày 27 và 28 tháng 1-2020.
Ngoài ra, Tân Hoa xã ngày 1-2 đưa tin Chính phủ Pakistan đã bố trí 300.000 khẩu trang y tế, 800 bộ đồ bảo hộ, 6.800 đôi găng tay từ nguồn dữ trự của các bệnh viện trên cả nước để hỗ trợ Trung Quốc.
Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu khẩu trang, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ và 100.000 đôi mắt kính bảo hộ.
Ngoài ra, chính phủ các nước Nga, Việt Nam, Malaysia, Kazakhstan, Đức, Anh, Pháp, Áo, Úc, Algeria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ Trung Quốc chống lại dịch bệnh.